Xứ Thanh không chỉ là đứa con vàng trong làng du lịch với những bãi biển xanh, bờ cát dài hay là những dòng thác mát lạnh với cánh rừng nguyên sinh vô tận. Mà ở đây còn là nơi lưu giữ rất nhiều những di sản văn hóa ghi dấu trang sử dấu ấn vàng son của dân tộc. Tiêu biểu phải kể đến khu di tích lịch sử Lam Kinh, kinh đô của thời Hậu Lê. Hãy cùng Top Thanh Hoá AZ tìm hiểu sâu hơn về nơi đặc biệt này nhé!
Giới thiệu đôi nét về di tích lịch sử Lam Kinh
Di tích lịch sử Lam Kinh nằm ở đâu?
Di tích Lam Kinh được trải dài trên mảnh đất lên đến hơn 140ha, cách trung tâm thành phố Thanh Hoá khoảng chừng 50km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận xã Xuân Lan, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá.
Được xây dựng theo thế ‘tọa sơn hướng thủy’, Khu di tích Lam Kinh được núi Dấu, sông Chu, núi Chúa, rừng Phú Lâm và núi Hương, núi Hàm Rồng ôm trọn bốn bề. Với nét đẹp kiến trúc cung đình gần như vẫn còn nguyên vẹn cùng những câu chuyện tâm linh huyễn hoặc, Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã thật sự trở thành điểm tham quan nổi bật trên tấm bản đồ du lịch xứ Thanh.
Ngược thời gian về quá khứ tìm hiểu lịch sử hình thành di tích Lam Kinh
Trước kia, Lam Kinh là cố đô của nước Đại Việt, được vua Lê Lợi cho tiến hành khởi công xây dựng vào năm 1428, sau chiến thắng trước quân Minh hung bạo. Khu di tích Lam Kinh được vua xây với mục đích thờ cúng tổ tiên cũng như là lăng tẩm để vua an nghỉ sau khi qua đời.
Năm 1443, khi vua mất, thi hài ngài được đưa về Lam Kinh an táng. Lúc này, hệ thống đền miếu, lăng tẩm quy mô lớn mới được tiến hành xây dựng với mục đích thờ cúng tổ tiên, vua, Thái hoàng, Thái hậu cũng như là nơi tổ chức các nghi lễ khi vua bái yết sơn lăng.
Đến năm 1448, vua Lê Nhân Tông ban chiếu chỉ, truyền Thái úy Lê Khả và Cục bách tác tiến hành trùng tu điện, miếu, đến tháng 2/1449 thì hoàn thành. Vào năm 1456, lễ điện Lam Kinh được diễn ra, vua Lê Nhân Tông đã ngự ban tên cho ba công trình chính điện là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diễn Khánh.
Vào năm 1962, Khu di tích Lam Kinh chính thức được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, được trùng tu vào năm 2002 với kiến trúc gần như được giữ nguyên.
Năm 2013, Khu di tích Lam Kinh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Di tích được xem là ‘nôi vàng’ của thời Hậu Lê, minh chứng cho sự phồn thịnh của triều đại ngày ấy.
Kinh nghiệm đến thăm di tích lịch sử Lam Kinh
Hướng dẫn đường đi đến khu di tích lịch sử Lam Kinh
Đường đi đến di tích lịch sử Lam Kinh khá dễ dàng và thuận tiện. Nên du khách có thể lựa chọn bất cứ phương tiện nào để di chuyển đến đây tuỳ thích:
- Xe khách: Có nhiều hãng xe khách khai thác tuyến đường Hà Nội – Thanh Hóa như The Sinh Tourist, Sao Việt, Hải Vân… Giá vé dao động từ 120.000 – 180.000 VNĐ/lượt. Xuống xe tại bến xe Thanh Hóa, sau đó bắt taxi hoặc xe ôm đến khu di tích Lam Kinh (khoảng 50 km).
- Xe máy/ ô tô riêng: Đi theo hướng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, sau đó rẽ trái vào Quốc lộ 1A. Tiếp tục đi theo Quốc lộ 1A qua các địa phương như Ninh Bình, Thanh Hóa. Đến thị trấn Lam Sơn, rẽ trái vào đường Lê Lai, đi khoảng 5km sẽ đến khu di tích Lam Kinh.
- Xe buýt: Bắt xe buýt tuyến Thanh Hóa – Thọ Xuân. Xuống xe tại bến xe Thọ Xuân, sau đó bắt taxi hoặc xe ôm đến khu di tích Lam Kinh (khoảng 10 km).
Nên đến khu di tích Lam Kinh vào thời điểm nào?
Di tích lịch sử Lam Kinh luôn mở cửa chào đón bạn vào bất cứ khoảng thời gian nào. Tuy nhiên, vào ngày 22 tháng 8 âm lịch hàng năm (lễ giỗ của vua Lê Thái Tổ) nơi đây thường tổ chức lễ hội với những hoạt động độc đáo, phần lễ được làm trang nghiêm còn phần hội thì có rất nhiều những hoạt động vui nhộn.
Nên nếu bạn muốn đến để tham gia lễ hội và trải nghiệm những hoạt động văn hoá giàu bản sắc nơi đây thì có thể chọn đi vào khoảng thời gian này.
Giá vé vào di tích lịch sử Lam Kinh
Hiện nay giá vé tham quan khu di tích lịch sử Lam Kinh là 30.000 đồng/người lớn, 15.000 đồng/trẻ em. Đặc biệt, nhằm kích cầu du lịch, các đoàn khách lớn được giảm 20% giá vé.
Khám phá kiến trúc cổ kính, bề thế của di tích lịch sử Lam Kinh
Khu di tích Lam Kinh được xây dựng theo hướng ‘tọa sơn hướng thủy’ với lưng tựa núi Dầu, mặt hướng ra dòng sông Chu, núi Chúa. Bên tả là rừng Phú Lâm, còn bên hữu là dãy núi Hương và núi Hàm Rồng.
Di tích được xây theo dáng chữ Vương, dài 314 mét, rộng 254 mét, tường thành hình cánh cung dày 1 mét ôm trọn các công trình trong thành, bao gồm:
Sông Ngọc – Cầu Bạch tại khu di tích lịch sử Lam Kinh
Sông Ngọc là dòng sông uốn lượn vắt ngang đường chính dẫn vào Khu di tích Lam Kinh. Hai bên đường là hàng cây xanh rì soi bóng mặt hồ, đồng thời tỏa bóng mát cho những ai ghé di tích lịch sử Lam Kinh. Giữa dòng sông Ngọc hiền hòa là cầu Bạch được xây theo thế cong cong uốn lượn đẹp mắt. Theo dòng thời gian, hai bên thành cầu đã phủ một lớp rêu phong, nhấn nhá cho không gian thêm phần cổ kính, uy nghiêm khó tả.
Giếng Ngọc
Khi vừa qua cầu Bạch, thêm khoảng 50 mét và sẽ bắt gặp một nguyên mẫu giếng cổ khổng lồ, một công trình được xây dựng từ thời vua Lê Lợi. Trước đây, người ta thường thả sen vào giếng, nhưng thực tế hiện nay không còn thấy hình ảnh đó nữa. Tuy nhiên, điều này đã làm cho mặt nước trong giếng trở nên trong suốt hơn, cho phép nó phản chiếu những hình ảnh thú vị. Mặt nước của giếng cổ luôn có màu xanh của Ngọc Bích, có lẽ vì vậy mà người ta đặt cho giếng là Giếng Ngọc.
Đường vào Chính Điện
Chính điện là khu vực có quy mô rộng nhất ở Lam Kinh với kiến trúc làm từ gỗ là chính (có 138 cột, hiện còn 127 chân cột). Để đi vào chính điện, bạn cần di chuyển qua Ngọ môn rộng gần 20m với 3 gian (gian giữa, gian bên và khu nền). Lối dẫn từ sân rồng lên chính điện còn một thềm lớn có 9 bậc với 3 đường lên được trang trí vô cùng bắt mắt với hình rồng đá tạc tròn uốn khúc như đang bay lượn.
Vào trước Ngọ môn, bạn sẽ nhìn thấy một con nghê đá đứng canh có tuổi đời hàng trăm năm khá cũ nhưng vẫn rất chắc chắn. Đi tiếp vào sân rồng sẽ là lối chính dẫn bạn tới Chính điện, gồm 3 tòa điện cao 1,8m, rộng 38m và sâu tới 46m.
Thái miếu Lam Kinh
Ngay phía sau Chính điện là 9 tòa Thái miếu. Không gian Thái miếu được bài trí trang nghiêm, linh thiêng với dáng hình cánh cung ôm lấy chính điện. Mái điện được lợp ngói mũi truyền thống. Đây là nơi thờ vua, Thái hậu triều Hậu Lê với khung cảnh quanh năm nghi ngút khói hương, nhuốm màu linh thiêng.
Sân Rồng
Là công trình lớn nhất Khu di tích lịch sử Lam Kinh, sân Rồng rộng hơn 3.500 mét vuông với ba lối đi dẫn vào chính điện. Đây là địa điểm diễn ra các nghi thức tế lễ vào các dịp lớn trong năm.
Những hình tượng rồng được chạm khắc tỉ mỉ, với những chi tiết sắc nét, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo và mê hoặc. Nhìn vào chúng, ta có cảm giác như những sinh vật huyền thoại đang sống động, mang theo sức mạnh và quyền uy vô hình. Đường lối này tạo nên khung cảnh tráng lệ và chào đón khách thăm di tích với sự tôn trọng và kính phục.
Hệ thống lăng mộ
Là nơi an nghỉ của vua và Hoàng thái hậu, hệ thống lăng mộ tại Khu di tích Lam Kinh có quy mô bề thế, hoành tráng với mỗi khu lăng tẩm rộng khoảng 400 mét vuông, bao gồm cả khu vực lăng và sân.
Công trình nổi bật nhất tại đây phải kể đến Vĩnh Lăng, nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ. Vĩnh Lăng được xây ở phía Tây Nam kinh thành với địa thế lưng tựa núi, mặt hướng núi, hai bên là hai dãy núi cao bao bọc tạo thành thế ‘hổ phục rồng chầu’.
Nhà trưng bày cổ vật của di tích lịch sử Lam Kinh
Ngoài những công trình có giá trị về kiến trúc, tại Khu di tích Lam Kinh còn lưu trữ nhiều di vật lịch sử quý giá, như bia Vĩnh Lăng – Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi, bia Hoàng thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao – Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng, bia vua Lê Thánh Tông – Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bia và bia vua Lê Hiến Tông – Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi.
Trong nhà trưng bày vẫn còn lưu giữ những hiện vật cổ có giá trị văn hóa lịch sử như: ấm chén thời Lê, ấm đồng, bát hương hình sen, gạch trang trí hình lá, đầu đao kìm nóc bằng đất nung, đế móng cầu Bạch. Tất cả vẫn giữ nguyên hình tượng ban đầu và thường xuyên được lau chùi cẩn thận.
Một số lưu ý khi đến khu di tích cố đô
- Nên ăn mặc lịch sự, kín đáo, phù hợp với không gian văn hóa tâm linh của khu di tích.
- Giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi trong khu di tích.
- Đi nhẹ nhàng, nói chuyện nhỏ tiếng để không ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Giữ gìn trật tự, không chen lấn, xô đẩy.
- Tôn trọng các di vật lịch sử, không sờ mó, vẽ bậy hoặc có hành vi vi phạm khác.
- Cẩn thận khi di chuyển trong khu di tích, đặc biệt là trên các bậc thang và địa hình dốc.
- Có thể thuê hướng dẫn viên để được giới thiệu chi tiết về khu di tích.
Di tích lịch sử Lam Kinh chính là viên ngọc quý của xứ Thanh có giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử, khắc họa chân thực một thời huy hoàng của nhà Hậu Lê. Nếu như bạn là một người yêu thích lịch sử, có đam mê tìm hiểu các giai thoại lịch sử thì đừng chần chờ gì nữa mà hãy đến ngay khu di tích Lam Sơn để khám phá thôi.