Mang đậm dấu ấn văn hoá tâm linh của con người Việt Nam, đền mẫu Sòng Sơn là nơi linh thiêng thu hút rất nhiều du khách đến khám phá. Khi đến với ngôi đền, du khách không chỉ được chiêm bái, cầu may, cầu bình an mà còn được tham quan kiến trúc độc đáo, hoà mình vào không gian văn hoá đặc sắc. Vậy hãy để Top Thanh Hoá AZ dẫn bạn đi tham quan ngôi đền lưu giữ huyền tích và những giá trị văn hoá độc đáo này nhé!
Giới thiệu tổng quan về đền mẫu Sòng Sơn
Địa chỉ của đền Sòng Sơn ở đâu?
Là ngôi đền lịch sử linh thiêng bậc nhất xứ Thanh, đền Sòng xưa kia thuộc trang Cổ Đạm, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá. Nay tọa lạc ở phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Đền mẫu Sòng Sơn được xây dựng theo hướng Tây Bắc, có vị trí đắc địa. Ngôi đền chính là biểu tượng cho giá trị văn hoá tâm linh của người Việt và là niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân Thanh Hoá. Vào năm 1993, đền được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di sản lịch sử cấp Quốc gia.
Huyền tích kỳ bí gắn liền với đền mẫu Sòng Sơn
Đền Sòng Thanh Hoá không chỉ là công trình kiến trúc đơn thuần mà theo người xưa kể lại nơi đây gắn liền với những sự tích tâm linh và đầy tính nhiệm màu về Nữ thần Vân Hương – Thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của đạo mẫu Việt Nam theo quan niệm dân gian xưa.
Tương truyền, trong trận chiến giữa tiền Quan Thánh và chúa Liễu Hạnh tại Sòng Sơn, Liễu Hạnh lâm nạn, biến thành Con rồng ẩn về nơi Cửu Thiên Công chúa đang ngự là chín cái giếng thiêng. Chúa Liễu Hạnh được Cửa Thiên Huyền Nữ hóa phép che chở, được Phật Bà Quan Âm ra tay cứu đỡ, nên Liễu Hạnh thoát được lưới vây của Tiền Quan Thánh.
Cảm tạ đức từ bi của Phật Bà Quan Âm, Chúa Liễu quy y theo Phật; Cảm tình cưu mang của Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Liễu Hạnh kết nghĩa chị em với Cửu Thiên Huyền Nữ. Bởi vậy, hàng năm khi rước bóng Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên Đèo Ba dội, kiệu rước Thánh Mẫu cũng được rước từ Đền Sòng Sơn sang đền Chín Giếng (đền cô Chín) như muốn nói lên hình ảnh chị đến thăm em – Một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử hình thành đền mẫu Sòng Sơn
Ngôi đền được xây dựng vào thời Cảnh Hưng triều đại vua Lê Thánh Tông (1740 – 1786) để thờ Bà chúa Liễu Hạnh – người đã có công giúp dân thoát khỏi kiếp lầm than, trừ gian diệt ác. Đền mẫu Sòng Sơn được xây dựng nên nhằm thể hiện sự thành kính, biết ơn của người dân đối với nữ thần Vân Hương. Ban đầu, đền được gọi là Miếu Sùng Trân sau đó đổi tên thành đền Sòng Sơn.
Từ đó cho đến nay, đền Sòng đã trở thành một địa điểm linh thiêng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử, Đền Sòng Sơn vẫn đứng vững và tỏa sáng, ghi dấu những cống hiến và lòng thành kính của người dân xứ Thanh, cũng như khắp cả nước.
Kinh nghiệm di chuyển đến đền mẫu Sòng Sơn
Đền mẫu Sòng Sơn nằm ở vị trí đắc địa, thuận tiện để cho người dân đến dâng hương và chiêm bái nên du khách có thể di chuyển đến đây bằng bất kể phương tiện nào phụ thuộc vào nhu cầu và mong muốn của quý khách.
Nếu bạn đi đến đền Sòng Thanh Hoá bằng phương tiện cá nhân thì nơi gửi xe máy là bên ngoài cổng đền với mức phí 5.000 VNĐ/ xe. Còn ô tô thì bạn có thể gửi ở bên trong khuôn viên đền và mức phí là 30.000 VNĐ/ xe.
- Xe máy: Từ Hà Nội bạn đi dọc QL1A qua Thành phố Ninh Bình, qua thành phố Tam Điệp – rẽ theo các biển báo dành cho đền Sòng. Quãng đường từ Hà Nội đền đền mẫu Sòng Sơn dài 116km khoảng hơn 3 tiếng di chuyển.
- Xe ô tô: Từ Hà Nội đi vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, tiếp tục vào Cao Tốc Ninh Bình – Hà Nội – về thành phố Ninh Bình rẽ vào QL1A – rẽ theo tại biển báo dành cho đền Sòng. Bạn sẽ mất khoảng hơn 2 tiếng đi xe cho quãng đường 122km.
- Xe khách: bạn có thể đến bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình hay Bến nước ngầm để bắt xe đến thị xã Bỉm Sơn đi đường QL1A. Đến gần đền, bạn nói nhà xe cho xuống. Thời gian di chuyển bằng xe khách khoảng 4 tiếng.
Tham quan kiến trúc của đền mẫu Sòng Sơn
Kiến trúc và cảnh quan của Đền Sòng Sơn tỏa sáng với một vẻ đẹp mang tính tâm linh và lịch sử, kết hợp giữa các phong cách kiến trúc thời Lê trung hưng và thời Nguyễn, đặc trưng cho văn hóa đình, đền truyền thống của Việt Nam.
Ngôi đền được xây dựng với một cấu trúc phức tạp, bao gồm ba cung liên tiếp tạo nên một không gian linh thiêng và trang nghiêm. Các cột và xà ngang trong đền được trang trí bằng câu đối và hoành phi, thể hiện sự ca ngợi và tôn thờ sự linh thiêng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tượng thờ chính trong đền là Nữ Thần Vân Hương – Bà Chúa Liễu Hạnh, là trung tâm tôn thờ và thần linh được người dân tôn kính và cầu nguyện. Bên cạnh đó, còn có các tượng thờ khác như Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng thượng đế, các Thánh Cô, Thánh Cậu của Tiên chúa Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương và nhiều thần núi rừng khác, tạo nên một không gian thần bí và đa dạng tôn giáo.
Môi trường xung quanh đền Sòng Sơn cũng góp phần làm nên vẻ đẹp của ngôi đền này. Trước đền là một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt, được gọi là Hồ cá Thần, thêm một nét thú vị và uy nghiêm cho không gian.
Hai con suối nhỏ chảy quanh ngôi đền, tạo nên một không gian như một hòn đảo bồng bềnh giữa thiên nhiên. Đặc biệt, có một cầu đá được xây dựng từ năm 1772, do Bà Hoàng Thái hậu nhà Lê phát tâm công quả, bắc qua một con suối, tạo thêm vẻ ngoạn mục và tôn linh cho ngôi đền.
Có thể nói, kiến trúc và cảnh quan của Đền Sòng Sơn không chỉ thể hiện sự uy nghiêm và linh thiêng của đền thờ, mà còn phản ánh sự đa dạng tôn giáo và niềm tin về văn hoá tín ngưỡng tâm linh của người Việt ta.
Cùng trải nghiệm Lễ hội tại đền mẫu Sòng Sơn
Mỗi năm cứ vào ngày mùng 10 đến ngày 26 tháng 2 âm lịch, đền mẫu Sòng Sơn lại tổ chức lễ hội vô cùng lớn để tưởng nhớ công ơn to lớn của Thánh mẫu Liễu Hạnh và bày tỏ sự tôn kính của nhân dân đối với “mẹ của nhân dân”. Ngày lễ hội chính được diễn ra vào ngày 25 tháng 2 âm lịch.
Lễ hội bao gồm nghi lễ rước Thánh Mẫu từ đền Sòng đến các đền liên quan và các hoạt động văn hóa, tâm linh như thi hát, đánh vật, võ công, múa rồng, và các trò chơi dân gian khác.
Chính vì vậy, thời điểm lễ hội diễn ra cũng là thời điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và chiêm bái dâng hương nhất. Nếu bạn cũng muốn tham gia lễ hội vui nhộn mang đậm bản sắc văn hoá tâm linh thì nên đến vào thời gian này. Song, nếu không muốn quá chen chúc thì bạn có thể tránh ngày lễ hội chính diễn ra nhé.
Chuẩn bị đồ lễ khi chiêm bái tại đền Sòng Sơn
Khi đến cúng cô Chín, du khách có thể sắm lễ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, quan trọng là thành tâm. Thông thường người ta hay chuẩn bị lễ cúng Cô Chín bao gồm: mâm hoa quả, vàng mã, cây tiền, đĩa xôi, con gà, cành vàng, cành bạc. Tuy nhiên nếu không có điều kiện thì có thể sắm đơn giản với hương, hoa và một bộ giấy tiền.
Đến cúng đền chùa phải giữ mình trong sạch, thành tâm và khấn vái để được Cô phù hộ. Đơn giản các bạn có thể cầu sức khỏe, công danh hay con cái. Đặc biệt, bạn nên chuẩn bị đồ lễ có màu đỏ bởi mẫu Liễu Hạnh chứng toà Thánh Mẫu màu đỏ nên mọi lễ vật nên có màu đỏ.
Các bạn cần nhớ khi bày lễ phải đợi một tuần hương mới được hạ và hóa tiền vàng ngay tại đền. Bên cạnh đó, nếu muốn để lễ vật lâu ở đây du khách có thể tham khảo thêm oản lễ – được trang trí tỉ mỉ, công phu trông rất lộng lẫy và bắt mắt. Oản này có thể giữ được khoảng 6 tháng.
Những lưu ý khi đến dâng hương tại đền mẫu Sòng Sơn
- Trang phục lịch sự, kín đáo: Khi đi lễ tại các đền, chùa, người tham quan cần mặc trang phục lịch sự, kín đáo, tránh mặc quần áo quá ngắn hoặc quá hở hang. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với không gian tâm linh và văn hóa địa phương.
- Giữ gìn trật tự, vệ sinh chung: Khi thăm quan hoặc thực hiện nghi lễ, bạn nên giữ gìn trật tự, không xả rác bừa bãi, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Hãy tuân thủ các quy định về vệ sinh công cộng để bảo vệ môi trường tại các khu vực tâm linh.
- Thực hiện nghi lễ một cách trang nghiêm: Khi thực hiện các nghi lễ cúng bái, bạn cần giữ tâm trạng nghiêm túc và trang nghiêm. Tránh nói cười ồn ào, sử dụng điện thoại di động, hoặc thực hiện các hành động không phù hợp trong khu vực thờ tự.
- Tuân thủ quy định của đền: Mỗi đền, chùa có những quy định riêng về việc thờ cúng, chụp ảnh, giờ mở cửa, vv. Bạn nên tìm hiểu và tuân thủ các quy định này để đảm bảo trải nghiệm thăm quan diễn ra suôn sẻ.
- Biết ơn và tôn trọng: Khi thực hiện các nghi lễ cúng bái, hãy thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng đối với thần linh, cũng như những người xung quanh. Điều này không chỉ giúp bạn thể hiện được bản thân mình một cách tốt nhất mà còn tạo ra một không khí tích cực tại nơi linh thiêng.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh to lớn, đền Mẫu Sòng Sơn xứng đáng là điểm đến cho những ai muốn tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn và cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Hãy đến với đền Mẫu Sòng Sơn Thanh Hoá để trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và cảm nhận sự linh thiêng của ngôi đền này.